Câu chuyện tủ sách
“Cảm ơn chị!
Em cảm ơn!
Cảm ơn cháu nhé!”
…
- Cảm ơn….họ hay nói với nhau như vậy, cảm ơn nhau nhiều đến vậy…
- Không phải chính anh dạy người ta cách tôn trọng, lịch sự, biết nói lời cảm ơn à?
- Vâng, tôi dạy họ cách yêu thương và sống đẹp, dạy họ nói cảm ơn và xin lỗi. Nhưng tấm lòng giàu yêu thương, lạc quan, lòng nhân ái và biết ơn chân thành đằng sau hai chữ ‘cảm ơn’ tôi sao dạy được, tự họ thôi…ai cũng sẵn có.
(lời thì thầm của sách)
Giá một cuốn sách là bao nhiêu?
Phải chăng chỉ là con số vô hồn hiện hữu mặt sau mỗi bìa sách? Không, với những người được thụ hưởng một cuốn sách phù hợp, bổ ích… nó là vô giá!.
**** Tôi đã từng có dịp ghé thăm tủ sách ở Hậu Giang, cô_người trông nom tủ sách sẻ chia của BEE, một giáo viên về hưu, đã nói: Nếu chính phủ khuyến khích, hỗ trợ con em CẦN sách đến trường bằng chính sách hỗ trợ giá cho bộ sách giao khoa, thì Bee, việc làm nhỏ nhoi nhưng ý nghĩa to bự (cô cười hài hước) tiếp nối bác Duy là chúng ta đang chạm tới những người RẤT CẦN sách và tạo cái DUYÊN KIẾN THỨC cho kẻ vô tình đọc.
*** Lại ghé tủ sách Tây Ninh, nơi gần biên giới. Khi may mắn ở cái nơi vốn đầy đủ phương tiện cho chân trời rộng lớn kiến thức và tiến bộ, nếu không có những chuyến đi thế này, tôi sẽ không biết còn quá nhiều nơi tưởng gần nhưng lại XA đến vậy. Chú_người nông dân đau đáu xây dựng xóm văn minh, người giữ tủ sách và hướng dẫn bất cứ ai muốn đọc. Ôi, và chính chú cũng là bạn đọc trung thành.
- Chú tâm sự: Ở cái nơi đơn giản này, mấy đứa chăn bò thích truyện tranh, ca dao; lớn hơn xíu thì sách nhân văn, tâm lý, làm giàu, toán tính… đủ kiểu; người lớn thì báo, tiểu sử, sách nấu ăn, gia đình, nuôi con, giáo dục sức khỏe, giáo lý… Phải biết vậy mà hướng mấy đứa và cô bác đọc đúng sách hay, sách tốt, lại còn xin thêm sách cho tủ. Chú cũng đọc, cũng cập nhật cho bằng người cháu à.
- Thế khi nào ghé tủ mượn sách được hả chú?
- Tụi nhỏ ghé mọi lúc, miễn chú có ở nhà, nhất là mấy nhóc chăn bò, mượn đặng ra đồng rủ nhau đọc chung. Nhưng chú chỉ cho một cuốn, trả mới mượn cuốn khác. Chúng nghịch, phá lắm. Chú cấm đứa nào làm hư sách, để đứa sau còn dùng.
- Thế chú có nhớ hết em nào mượn cuốn nào không! – tôi chen vào
- Chú ghi lại hết (vừa nói chú nhanh nhảu khoe sổ nhật ký mượn sách), đứa nào đọc được nhiều chú thưởng bánh.
- Thế cơ à. Thế nhỡ mượn chứ không đọc thì thế nào ạ?
- Uh …(chú ngập ngừng một chút).. thì chú trả bài chứ..haha. (rồi chú hạ giọng nhìn tôi) Chúng chưa đọc cũng được. Chú cho chúng cái duyên con chữ. Để đó cũng phải nghía cái chứ.
- Mà chú mừng! (chú tiếp)
- Như thế nào ạ? – tôi chưa hiểu
- Chú thấy tụi nhỏ biết chào chú, biết cảm ơn và bớt chí chóe chửi thề nhau, kể từ dạo đọc sách. Thật thế đó, chú mừng. Chúng nó biết tò mò về những còn số, và kiến thức gì đó. Mấy đứa lớn hơn thì khoái sách Best-seller. Chú đặt kệ riêng để chúng dễ tìm, đọc bàn bên ấy (chú chỉ tay) rồi trả lại chỗ cũ, đứa nào quý sách ham đọc quá thì chú mới cho hẳn.
…
Câu chuyện cứ thế, luyên thuyên những câu chuyện hài có, bực có, vui có nhưng để kể được như thế, tôi biết chú đang yêu cái tủ sách biết bao.
***Ghé tủ sách Cần Giờ, anh thanh niên giữ sách nhiệt huyết. Ở đây tôi nghe câu chuyện tìm bạn đọc. Anh tin rằng chỉ có sách mới mang lại sự phát triển cho cuộc sống các hộ gia đình. Những ngày đầu, anh phải vận động từng gia đình cho em đến tủ sách đọc miễn phí, anh cùng anh em nhà BEE cũng tặng trước một số sách giáo khoa cho các nhà chưa có. Tủ sách hầu như chỉ 1 hay 2 em ghé đọc, rồi cũng lười không tới nữa.
Anh kể cho tôi nghe: – Lúc ấy, hay ngay cả bây giờ, vận động đọc sách phải luôn được duy trì không hình thức này thì cũng phương thức khác em à. Dân mình đọc sách còn ít quá, chủ động đọc lại càng hạn chế. Điều kiện đủ đầy còn vậy, nói chi nơi này. Các em lại còn ham chơi và chưa biết sự quan trọng của kiến thức.
- Nhiều lúc anh nản, muốn thôi ấy chứ, trước anh cũng có vài bạn nhưng cực quá, lại có việc riêng nên không làm nữa. – anh tiếp
- Anh nản, muốn thôi… rồi sao vẫn tiếp tục đến giờ ạ?
- Anh thương tụi nhỏ, bác Duy cũng vậy. mà chắc cái duyên nữa em à. Không nói hết được.
- Thế anh làm sao để tủ sách đến được các bé?
- Bee nhà ta liên kết trường làng, phát sách và khuyến học. Lâu lâu, anh và mấy bạn cũng ghé nhà mấy bạn để truyền thông đến phụ huynh. Giáo dục phải kết nối cả xã hội, nhà trường và gia đình. Bố mẹ phải ý thức mạnh mẽ sức trọng của con chữ trước, có vậy con nhỏ mới được định hướng.
(tôi chăm chú nghe)
- Em nhìn đi (anh hào hứng hất đầu nhìn quanh phòng sách), anh trang trí phòng đọc đủ màu sắc, chọn không gian thoáng, chặt mấy bụi rậm bên ngoài cửa sổ, trồng hoa hồng, hoa mười giờ. Phần nhờ thế, giờ không chỉ tụi nhỏ mà cô bác cũng hay ghé đọc.
- Dám cho đi, không tính phần nhận về, là như thế đúng không anh!
- Anh nhận được lời cảm ơn rất thật từ mỗi bạn đọc và một đoạn thanh xuân không gì đẹp bằng của riêng anh em à.
…
Trong cuộc sống hối hả, có những hơi thở dịu dàng và ấm áp đến vậy. Cho đi và chỉ nhận lại hai chữ “cảm ơn” rất chân thành.
Leave a Comment